Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc; xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nhưng chưa được thể chế hóa thành pháp luật trong đó, xác định nhiệm vụ biên phòng là “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia,…; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia; góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước”. Đồng thời xác định “Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là chuyên trách”; Chiến lược chỉ rõ “Sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam”. Xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là vấn đề chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Bộ đội Biên phòng đáp ứng yêu cầu làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới. Luật Biên phòng thông qua nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân, xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại.
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM
Việt Nam có đường biên giới đất liền khoảng 5.036,471 km, bờ biển dài 3.260 km với 44 tỉnh, thành phố có biên giới quốc gia (BGQG), gồm: 239 huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh với 1.109 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới (KVBG). Biên giới đất liền tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia, gồm: 25 tỉnh, 103 huyện, thị xã biên giới với 435 xã, phường, thị trấn. Có 203 cửa khẩu biên giới đất liền và cửa khẩu cảng; trong đó có 25 cửa khẩu quốc tế, 24 cửa khẩu chính, 68 cửa khẩu phụ, 34 cửa khẩu cảng, 02 cảng nội địa, 282 bến cảng, 14 cảng dầu khí ngoài khơi. Tuyến biển, đảo với 28 tỉnh, thành phố ven biển (136 huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh với 675 xã, phường, thị trấn KVBG biển); có 189 cảng biển, 15 khu kinh tế ven biển. Vùng biển Việt Nam rộng trên 01 triệu km2 (vùng nội thủy, lãnh hải chiếm 37%). Dân cư KVBG khoảng 2,3 triệu hộ/9,5 triệu khẩu, gồm 51 dân tộc, 06 tôn giáo khác nhau (nhân dân KVBG đất liền chủ yếu là dân tộc thiểu số, có mối quan hệ thân tộc, dòng họ lâu đời hai bên biên giới); đời sống nhân dân KVBG còn nhiều khó khăn: Có 256.528 hộ nghèo (chiếm 11%); 164.944 hộ cận nghèo (chiếm 7,07%); 5.833 hộ đói (chiếm 0,25%).
Đến nay, Việt Nam đã hoạch định, ký kết các hiệp định về biên giới, cửa khẩu với các nước có chung đường biên giới, cụ thể: Đường biên giới trên đất liền và trên biển, Việt Nam và các nước có chung biên giới hiện nay đã cơ bản được xác định: Tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc: Năm 2009, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã ký 03 văn kiện pháp lý gồm: Nghị định thư phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Tuyến biên giới Việt Nam - Lào: Năm 2012, Việt Nam và Lào thực hiện việc tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới; năm 2016, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào. Tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia: Ngày 05/10/2019, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia ký 02 văn kiện pháp lý gồm: Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định BGQG năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia, ngày 27/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã phê chuẩn (đến nay ta đã hoàn thành 1.044, 985 km/1.249,446 km đạt khoảng 84%). Về biên giới trên biển: Thực hiện Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982, ngày 12/11/1982, Chính phủ Cộng hoà XHCN Việt Nam ra Tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam; theo đó đã xác định tọa độ 11 điểm chuẩn đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam (A0 - A11; bắt đầu từ điểm A0 nằm trên ranh giới phía Tây Nam của vùng nước lịch sử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia, kết thúc là điểm A11 - Đảo Cồn Cỏ/Quảng Trị). Năm 2000, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định Hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ.
Hiện nay, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển là xu thế chung, tuy nhiên tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang diễn biến khá phức tạp, khó lường, nhất là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai… Sự điều chỉnh chiến lược, can dự, chi phối, cạnh tranh, phân chia lợi ích, củng cố quyền lực của các nước lớn đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương làm cho môi trường an ninh, chính trị ngày càng phức tạp. Các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam; vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm ma túy và các loại tội phạm có tính chất xuyên biên giới, di dịch cư tự do diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường… ngày càng gia tăng, nhất là trong tình hình hiện nay, dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) có ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ, liên quan trực tiếp đến công tác biên phòng trong phòng, chống lây lan dịch bệnh qua biên giới của Việt Nam; qua đó, công tác phòng, chống dịch bệnh ở KVBG cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, lực lượng chức năng trong nước và lực lượng bảo vệ biên giới của nước có chung đường biên giới.
Tình hình trên đặt ra nhiều yêu cầu đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển và tư duy mới về hoạt động biên phòng để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Như vậy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là hết sức cần thiết xuất phát từ những vấn đề sau:
- Thứ nhất, Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh BGQG nhưng chưa được thể chế hóa thành pháp luật như:“Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”,“Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được Quốc hội khóa XIV phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 với quan điểm, mục tiêu xác định: “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền BGQG, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”. Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ BGQG” đã xác định rõ nhiệm vụ biên phòng: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, BGQG…; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc BGQG; góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở KVBG và cả nước”; đồng thời xác định cụ thể lực lượng bảo vệ BGQG: “Xây dựng lực lượng bảo vệ BGQG toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới”; đề ra phương hướng nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, trong đó xác định “Sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam”.
- Thứ hai, Xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng của BGQG, đây là vấn đề chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN và yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng hiện đại, đáp ứng yêu cầu làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới.
- Thứ ba, Hiện nay, hoạt động trên biên giới, KVBG, cửa khẩu có nhiều lực lượng thuộc các bộ, ngành với nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, trong thực tế việc thực thi nhiệm vụ biên phòng còn có những hạn chế, bất cập; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương lực lượng nòng cốt, chuyên trách với các lực lượng chức năng ở KVBG, cửa khẩu chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, việc đầu tư của nhà nước, địa phương vào một số chương trình, mục tiêu quốc gia tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn dàn trải, chất lượng, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng BGQG, KVBG vững mạnh.
- Thứ tư, Pháp lệnh BĐBP mới điều chỉnh các vấn đề liên quan đến BĐBP (vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hệ thống tổ chức của BĐBP và chế độ, chính sách đối với BĐBP với tư cách là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG). Chưa đề cập hết trách nhiệm của chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, lực lượng vũ trang nhân dân và một số các chủ thể tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG.
Do Pháp lệnh ban hành từ năm 1997 nên một số quy định của Pháp lệnh liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013 đồng thời, hình thức, bố cục của Pháp lệnh chưa phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Bên cạnh đó, một số thuật ngữ trong Pháp lệnh không phù hợp với các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan; nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP đang được quy định tản mạn trong các luật chuyên ngành dẫn đến tình trạng khó theo dõi, thiếu thống nhất, thậm chí gây khó khăn cho quá trình thực thi nhiệm vụ của BĐBP như: Nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở KVBG; kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh; phòng, chống khủng bố, đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người; duy trì an ninh, TTATXH ở KVBG, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời Việt Nam. Các quy định nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP nêu trong các văn bản pháp luật chuyên ngành chưa được quy định trong Pháp lệnh.
Tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP, các ban, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đều thống nhất kiến nghị, đề xuất tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thể chế hóa chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh BGQG đảm bảo thống nhất với Hiến pháp, văn bản pháp luật liên quan, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên; đồng thời khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG, sớm báo cáo Quốc hội xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam.
- Thứ năm, Thực tiễn hơn 60 năm qua, BĐBP đã và đang áp dụng có hiệu quả các hình thức, biện pháp công tác biên phòng nhưng chưa được luật hóa; tổ chức xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, BGQG nhưng nội dung chưa được quy định cụ thể nên thiếu cơ sở pháp lý để các cơ quan, lực lượng chức năng và BĐBP trong thực thi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG.
Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh BGQG là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG đang đặt ra cần thiết phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết; đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG trong tình hình mới.
Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định những nội dung có liên quan đến quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp vì lý do quốc phòng, ANQG, TTATXH, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015; Luật xử lý VPHC năm 2012; Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật ANQG năm 2004; Luật Quốc phòng năm 2018; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Phòng, chống ma túy…
II. NỘI DUNG CƠ BẢN VÀ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM 2020
Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 được thông qua ngày 11/11/2020 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, với 94,61% ĐBQH biểu quyết tán thành, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết số 33/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Luật có 6 chương với 36 điều, có hiệu lực 01/01/2022 quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng.
+ Luật quy định chính sách của Nhà nước về biên phòng gồm: Thực hiện chính sách độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài với các nước có chung đường biên giới; mở rộng hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh, đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân.
+ Giải quyết các vấn đề biên giới quốc gia bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Sử dụng các biện pháp chính đáng, thích hợp để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt…
+ Nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng được quy định trong luật gồm: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia của các nước. Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước. Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, hệ thống chính trị, dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng, an ninh; kết hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại ở khu vực biên giới.
+ Luật quy định nhiệm vụ biên phòng gồm: Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch bảo vệ biên giới quốc gia. Quản lý, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia; xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu, công trình khác ở khu vực biên giới. Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, hòa bình, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường; bảo đảm việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
+ Phát triển kinh tế, xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới. Xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới, phòng thủ dân sự. Phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới…
+ Luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm về biên phòng, trong đó có các hành vi như: Xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; phá hoại, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Sử dụng hoặc cho sử dụng khu vực biên giới của Việt Nam để chống phá, can thiệp vào nước khác; đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ biên giới. Giả danh cơ quan, tổ chức, người thực thi nhiệm vụ biên phòng; chống lại, cản trở, trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thực thi nhiệm vụ biên phòng. Mua chuộc, hối lộ, dụ dỗ, lôi kéo hoặc ép buộc người thực thi nhiệm vụ biên phòng làm trái quy định của pháp luật. Lợi dụng, lạm dụng việc thực thi nhiệm vụ biên phòng để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
* So sánh Luật Biên phòng Việt Nam 2020 với Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng.
1. Về bố cục văn bản
Luật Biên phòng Việt Nam có 6 chương với 36 điều, giảm 1 chương tăng 3 điều so với Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng năm 1997.
2. Bổ sung quy định về giải thích từ ngữ
Pháp lệnh Bộ đội biên phòng không có điều, khoản giải thích từ ngữ, Luật Biên phòng Việt Nam 2020 đã bổ sung một số giải thích từ ngữ như:
+ Biên phòng là tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.
+ Nền biên phòng toàn dân là sức mạnh biên phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần và các nguồn lực với phương châm toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường.
+ Thế trận biên phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và các nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ biên phòng phù hợp với Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia…
3. Chính sách của Nhà nước về biên phòng (Điều 3)
Đây là quy định mới của Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020, theo đó các chính sách của Nhà nước về biên phòng đã thể chế đầy đủ đường lối đối nội, đối ngoại, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia, đồng thời ghi nhận những chính sách lớn nhằm xây dựng, huy động tiềm lực mọi mặt của quốc gia, tăng cường quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Một số chính sách của Nhà nước về biên phòng như sau:
+ Thực hiện chính sách độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài với các nước có chung đường biên giới; mở rộng hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân.
+ Giải quyết các vấn đề biên giới quốc gia bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
+ Sử dụng các biện pháp chính đáng, thích hợp để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…
4. Nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 4)
Đây là quy định mới của Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 và một trong 4 nguyên tắc nổi bật đó là: Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước.
5. Nhiệm vụ biên phòng (Điều 5)
Trước đây, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ quy định nhiệm vục của Bộ đội Biên phòng, Luật 2020 đã quy định thêm về nhiệm vụ biên phòng nhằm xác định rõ nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng, theo đó có 7 nhiệm vụ về biên phòng như: Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch bảo vệ biên giới quốc gia; Phát triển kinh tế- xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới; Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang…
6. Các hành vi bị nghiêm cấm về biên phòng (Điều 8)
- Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng không có quy định về những hành vi bị nghiêm cấm về biên phòng mà chỉ quy định Người có hành vi vi phạm pháp luật trong việc bảo vệ biên giới, gây cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Luật Bộ đội Biên phòng 2020 đã quy định 07 nhóm hành vi bị nghiêm cấm như:
+ Xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; phá hoại, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
+ Sử dụng hoặc cho sử dụng khu vực biên giới của Việt Nam để chống phá, can thiệp vào nước khác; đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ biên giới…
+ Giả danh cơ quan, tổ chức, người thực thi nhiệm vụ biên phòng; chống lại, cản trở, trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thực thi nhiệm vụ biên phòng.
+ Mua chuộc, hối lộ, dụ dỗ, lôi kéo hoặc ép buộc người thực thi nhiệm vụ biên phòng làm trái quy định của pháp luật.
+ Lợi dụng, lạm dụng việc thực thi nhiệm vụ biên phòng để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
+ Phân biệt đối xử về giới, chia rẽ, kỳ thị dân tộc, chủng tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa trong thực thi nhiệm vụ biên phòng.
+ Sản xuất, sử dụng, mua bán, trao đổi, vận chuyển, phát tán thông tin, hình ảnh sai lệch về chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia.
7. Hoạt động cơ bản về biên phòng
Luật Biên phòng Việt Nam 2020 đã có 01 chương (chương II) quy định về hoạt động cơ bản về biên phòng như: Nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; Phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; Hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền; Hợp tác quốc tế về biên phòng.
8. Nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng
Về cơ bản Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 kế thừa Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng về nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng, tuy nhiên, Luật 2020 có một số quy định mới về nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng như:
+ Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để thực hiện nhiệm vụ và đề xuất với Bộ Quốc phòng, Đảng, Nhà nước ban hành, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về biên phòng;
+ Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
+ Tham gia phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới…
9. Quyền hạn của Bộ đội Biên phòng
Về cơ bản quyền của Bộ đội Biên phòng trong Luật Biên phòng 2020 kế thừa Pháp lệnh Bộ đội biên phòng năm 1997, tuy nhiên có sửa đổi, bổ sung một số nội dung như:
+ Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
Ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, khi thi hành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được nổ súng quân dụng vào tàu thuyền trên biển, sông biên giới, trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu thuyền có chở người hoặc có con tin, để dừng tàu thuyền, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ;
- Khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội, vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn;
- Khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, quy định của pháp luật về hình sự cố tình chạy trốn.
+ Huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự
- Pháp lệnh Bộ đội biên phòng chỉ quy định trong trường hợp chiến đấu truy, truy lùng, đuổi bắt người phạm tội quả tang, người đang có lệnh truy nã, ngăn chặn hành vi phạm tội, cấp cứu người bị nạn, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng được sử dụng các loại phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện giao thông, kể cả người điều khiển phương tiện của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân.
- Luật Biên phòng Việt Nam 2020 bổ sung thêm trường hợp tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu người bị nạn, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.
10. Hệ thống tổ chức của Bộ đội Biên phòng
Pháp lệnh giao cho Chính phủ quy định, Luật BĐBP 2020 đã quy định cụ thể Hệ thống tổ chức của Bộ đội Biên phòng bao gồm:
- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng;
- Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng;
- Đồn Biên phòng, Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng, Hải đội Biên phòng.
11. Trách nhiệm quản lý nhà nước
Luật Bộ đội biên phòng năm 2020 quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao; bổ sung quy định trách nhiệm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc:
+ Quyết định chủ trương, biện pháp, huy động các nguồn lực bảo đảm thực thi nhiệm vụ biên phòng phù hợp với Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh;
+ Quyết định ngân sách bảo đảm thực thi nhiệm vụ biên phòng và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách ở địa phương; chính sách ưu tiên bảo đảm nhà ở, đất ở và các chính sách khác cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng công tác lâu dài ở khu vực biên giới.
* Trước những yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, đòi hỏi cần phải thống nhất quy định về cơ cấu tổ chức bộ máy, trang bị của Bộ đội Biên phòng trong một văn bản có giá trị pháp lý cao. Luật Biên phòng Việt Nam khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đáp ứng tốt các mục tiêu đặt ra trong xây dựng luật phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, LLVT nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở khu vực biên giới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG trong tình hình mới.
|
|
0 Nhận xét