PHẦN II: NỘI DUNG

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH THÔNG TƯ

Ngày 26/11/2016, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 192/2016/TT-BQP quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng. Thông tư số 192/2016/TT-BQP1 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quy định về trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự trong Bộ Quốc phòng, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội của mỗi quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 192/2016/TT-BQP đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Có nội dung chưa phù hợp với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) dẫn tới quá trình thực hiện thiếu thống nhất trong việc xử lý kỷ luật đối với quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng trong Quân đội vi phạm kỷ luật; chưa quy định áp dụng đối với đối tượng công chức quốc phòng; chưa quy định nguyên tắc xử lý đối với trường hợp vi phạm kỷ luật, có dấu hiệu tội phạm  vì vậy khi người có hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tội phạm thì đơn vị cắt giảm quân số quản lý khỏi biên chế Quân đội, mà không chuyển hồ sơ vi phạm sang cơ quan Điều tra hình sự Quân đội để xử lý theo quy định của pháp luật, dẫn đến khó khăn trong quản lý, xử lý; chưa quy định về bồi thường đối với trường hợp vi phạm kỷ luật trong quá trình được cử đi học tập, đào tạo trong nước và nước ngoài bằng nguồn kinh phí của nhà nước (đến mức không được tiếp tục phục vụ trong Quân đội) hoặc đã tốt nghiệp nhưng trốn tránh không nhận nhiệm vụ thì phải bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo, dẫn đến không có căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường; Chưa được sắp xếp theo thứ tự từ thấp đến cao; chưa quy định rõ trình tự xử lý trong trường hợp đặc biệt nên chưa thống nhất trong thực tế áp dụng v.v... Ngoài ra, một số hành vi vi phạm cụ thể chưa được quy định chặt chẽ, thống nhất (như vắng mặt trái phép, đào ngũ) dẫn đến khó khăn trong thực tiễn áp dụng.

Do vậy, việc xây dựng ban hành Thông tư quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng thay thế Thông tư số 192/2016/ TT-BQP ngày 26/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hết sức là cần thiết.

Chính vì các lý do  trên,  ngày  21/02/2020,  Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 16/2020/TT-BQP quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng thay thế Thông tư số 192/2016/TT-BQP.

II. MỤC ĐÍCH VÀ QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG THÔNG TƯ

1.        Mục đích

Khắc phục những bất cập, vướng mắc tại Thông tư số 192/2016/TT-BQP ngày 26/11/2016, bảo đảm phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai, áp dụng.

2.      Quan điểm chỉ đạo

-  Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.

-  Kế thừa những quy định còn phù hợp của Thông tư số 192/2016/TT-BQP, cập nhật các quy định mới tại các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trước đây, những vướng mắc thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.

III. MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA THÔNG TƯ SỐ 16/2020/TT-BQP SO VỚI THÔNG TƯ SỐ 192/2016/TT-BQP

Thông tư số 16/2020/TT-BQP gồm 04 Chương, 47 Điều và có hiệu lực kể từ ngày 08/4/2020, dưới đây là một số điểm mới cơ bản:

1.      Đối tượng áp dụng (Điều 2):

Thông tư số 16/2020/TT-BQP đã bổ sung đối tượng là công chức quốc phòng vào đối tượng điều chỉnh của Thông tư vì thực tế hiện nay số lượng công chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội rất đông. Do vậy, Khoản 1 Điều 2 được viết lại như sau:

“1. Thông tư này áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (sau đây gọi chung là quân nhân), công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng (sau đây gọi chung là công chức, công nhân và viên chức quốc phòng) và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan”.

2.      Giải thích từ ngữ (Điều 3):

Quá trình soạn thảo Thông tư, có nhiều quan điểm cần làm rõ các khái niệm được sử dụng trong Thông tư để tạo cơ sở áp dụng thống nhất. Do đó Điều 3 được chỉnh lý, bổ sung như sau:

“1. Người vi phạm là người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ quân đội mà theo quy định của Thông tư này và văn bản pháp luật có liên quan phải bị xử lý kỷ luật.

2.      Tình trạng mất năng lực hành vi dân sự là tình trạng của người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ quân đội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu kỷ luật.

3.     Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

4.       Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

5.      Điều kiện bất khả kháng là hành vi vi phạm pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ quân đội xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.”

3. Nguyên tắc xử lý kỷ luật (Điều 4):

Để khắc phục trường hợp vi phạm kỷ luật, có dấu hiệu tội phạm gây khó khăn quản lý, xử lý kỷ luật. Điều 4 đã sửa đổi, bổ sung Khoản 8 và Khoản 10 như sau:

“8. Mỗi hành vi vi phạm kỷ luật chỉ xử lý một hình thức kỷ luật; nếu cùng một lần vi phạm kỷ luật mà người vi phạm thực hiện nhiều hành vi vi phạm khác nhau thì phải xem xét, kết luận, làm rõ mức độ vi phạm và hình thức kỷ luật đối với từng hành vi vi phạm nhưng chỉ áp dụng hình thức kỷ luật chung cho các hành vi vi phạm và không vượt quá hình thức kỷ luật của hành vi có mức xử lý kỷ luật cao nhất.

Trường hợp xử lý nhiều hình thức kỷ luật (hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm với cách chức hoặc giáng chức) do cấp có thẩm quyền quyết định.

10. Người thực hiện hành vi vi phạm kỷ luật có dấu hiệu tội phạm, thì cơ quan, đơn vị không giảm quân số quản lý mà chuyển hồ sơ vi phạm sang Cơ quan điều tra trong Quân đội để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp bị tòa án xét xử và tuyên phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì chỉ giải quyết chế độ, chính sách khi đã có quyết định thi hành án của Tòa án.”

4.     Trường hợp chưa xem xét kỷ luật và miễn trách nhiệm kỷ luật (Điều 6):

Bổ sung trường hợp “Trong thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ theo chế độ” thì chưa xem xét kỷ luật tại Khoản 1 và bổ sung 02 trường hợp miễn trách nhiệm kỷ luật đó là: “Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi vi phạm pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ quân đội và Vi phạm pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ Quân đội trong trường hợp phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, do điều kiện bất khả kháng” tại Khoản 2 Điều 6.

5.     Về bồi thường thiệt hại (Điều 9):

Để tạo cơ sở và căn cứ pháp lý cho việc bồi thường thiệt hại đối với quân nhân, công chức,  công nhân và viên chức quốc phòng được cử đi đào tạo bằng nguồn ngân sách Nhà nước, Thông tư số 16/2020/TT-BQP đã quy định cụ thể các trường hợp phải đền bù chi phí đào tạo, gồm:

“- Tự ý bỏ học;

-      Vi phạm kỷ luật đến mức không được tiếp tục đào tạo;

-       Đã tốt nghiệp nhưng không nhận nhiệm vụ hoặc bỏ việc khi chưa đủ thời gian công tác đến 05 năm đối với những đối tượng được đào tạo dưới 05 năm và đến 07 năm đối với những đối tượng được đào tạo từ 05 năm trở lên tính từ khi tốt nghiệp.

6.      Hình thức kỷ luật (Điều 10):

Hình thức kỷ luật đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thực hiện theo quy định của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Khoản 1 Điều 50 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được xếp từ thấp đến cao như sau: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng cấp bậc quân hàm; Giáng chức; Cách chức; Tước quân hàm sĩ quan; Tước danh hiệu quân nhân.

Hình thức kỷ luật đối với hạ sĩ quan, binh sĩ thực hiện theo quy định Khoản 1 Điều 60 Luật Nghĩa vụ quân sự được xếp từ thấp đến cao như sau: Khiển trách; Cảnh cáo; Giáng cấp bậc quân hàm; Giáng chức; Cách chức; Tước danh hiệu quân nhân.

7. Xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ quân đội (thuộc chương II của Thông tư). Gồm: 30 Điều (từ điều 11 đến Điều 40), Trong phạm vi bài giảng xin giới thiệu những hành vi vi phạm như sau: Chống mệnh lệnh (Điều 13); Chấp hành mệnh lệnh không nghiêm (Điều 14); Cản trở đồng đội thực hiện nhiệm vụ (Điều 15); Làm nhục hành hung đồng đội (Điều 18); Vắng mặt trái phép (Điều 19), Đào ngũ (Điều 20), Xử lý kỷ luật đối với đối với người vi phạm bị tòa án tuyên có tội và áp dụng hình phạt Điều (40).

Điều 13. Chống mệnh lệnh

1. Không chấp hành mệnh lệnh hoặc không thực hiện nhiệm vụ khi người chỉ huy trực tiếp hoặc cấp có thẩm quyền giao mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị kỷ luật cảnh cáo hoặc hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm.

2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, giáng chức, cách chức, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc:

a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;

b) Lôi kéo người khác tham gia;

c) Trong sẵn sàng chiến đấu;

b) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm.

Điều 14. Chấp hành không nghiêm mệnh lệnh

1. Khi được người chỉ huy trực tiếp hoặc cấp trên có thẩm quyền ra lệnh hoặc giao nhiệm vụ nhưng chấp hành không đầy đủ, lơ là, tùy tiện, chậm trễ gây trở ngại cho việc chỉ huy, ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị hoặc gây hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.

2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;

b) Lôi kéo người khác tham gia;

c) Trong sẵn sàng chiến đấu.

Điều 18. Làm nhục, hành hung đồng đội

1. Dùng lời nói hoặc có hành động xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, thân thể đồng đội mà giữa họ không có quan hệ chỉ huy và phục tùng thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.

2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, giáng chức, cách chức, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Lôi kéo người khác tham gia;

c) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;

d) Gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Thông tư số 16/2020/TT-BQP đã sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể về thời gian đối với hành vi vắng mặt trái phép và đào ngũ để có cơ sở xử lý cũng như việc tước danh hiệu quân nhân (đối với quân nhân) và buộc thôi việc (đối với công chức, công nhân và viên chức quốc phòng); cụ thể là:

Điều 19. Vắng mặt trái phép

1. Vắng mặt ở đơn vị dưới 24 (hai bốn) giờ từ 02 lần trở lên hoặc từ 24 (hai bốn) giờ trở lên đến 03 (ba) ngày đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; dưới 24 (hai bốn) giờ từ 02 lần trở lên hoặc từ 24 (hai bốn) giờ trở lên đến 07 (bảy) ngày đối với hạ sĩ quan, binh sĩ mà không được phép của người chỉ huy có thẩm quyền thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.

2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ cảnh cáo đến hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;

b) Lôi kéo người khác tham gia;

c) Gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Điều 20. Đào ngũ

1. Tự ý rời khỏi đơn vị lần đầu quá 03 (ba) ngày đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; quá 07 (bảy) ngày đối với hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không thuộc các trường hợp được quy định tại Bộ luật hình sự thì bị kỷ luật từ cảnh cáo đến hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm.

2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc:

a) Gây hậu quả nhưng chưa đến mức độ nghiêm trọng;

b) Khi đang làm nhiệm vụ;

c) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;

d) Lôi kéo người khác tham gia.

Điều 21. Trốn tránh nhiệm vụ

1. Tự gây thương tích, gây tổn hại đến sức khỏe của mình, giả bị bệnh hoặc dùng các hình thức gian dối khác để trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ được giao thì bị kỷ luật từ cảnh cáo đến hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm.

2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm đến giáng chức, cách chức:

a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan.

b) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;

c) Lôi kéo người khác tham gia;

Điều 40. Xử lý kỷ luật đối với người vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên có tội và áp dụng hình phạt

1. Vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên án phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ thì bị kỷ luật từ cảnh cáo đến hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm.

2. Vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên án phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì bị kỷ luật từ hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm đến giáng chức, cách chức.

3. Vi phạm pháp luật bị tòa tuyên án phạt tù và phải chấp hành hình phạt tại trại giam thì bị kỷ luật tước danh hiệu quân nhân (đối với quân nhân) và buộc thôi việc (đối với công chức, công nhân và viên chức quốc phòng).

8. Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật (Điều 41):

Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đã có bước sửa đổi căn bản so với Thông tư 192/2016/TT-BQP về người vi phạm cũng như tập thể cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật, cụ thể:

“1. Người vi phạm phải tự kiểm điểm bằng văn bản, trước tập thể cơ quan, đơn vị và tự nhận hình thức kỷ luật. Nếu người vi phạm vắng mặt, không tự kiểm điểm thì cơ quan, đơn vị tiến hành xác minh tại gia đình, địa phương nơi người vi phạm cư trú và lập biên bản về sự vắng mặt của người vi phạm. Biên bản xác minh được công bố trước cơ quan, đơn vị và có giá trị như bản tự kiểm điểm của người vi phạm.

2.      Tập thể cơ quan, đơn vị phân tích, phê bình, tham gia ý kiến về hành vi vi phạm và đề xuất hình thức kỷ luật. Nếu người vi phạm vắng mặt thì căn cứ vào biên bản xác minh, hồ sơ vi phạm, hành vi  vi phạm kỷ luật của người vi phạm, tập thể cơ quan, đơn vị tổ chức cuộc họp phân tích, phê bình, tham gia ý kiến và đề xuất hình thức kỷ luật.

3.      Người chỉ huy phải kiểm tra, xác minh trực tiếp hoặc uỷ quyền cho cấp có thẩm quyền trực tiếp gặp người vi phạm để người vi phạm trình bày ý kiến. Nếu người vi phạm vắng mặt thì người chỉ huy căn cứ vào biên bản xác minh, hồ sơ vi phạm để kết luận về hành vi vi phạm, hình thức kỷ luật đối với người vi phạm.

4.      Kết luận về hành vi vi phạm kỷ luật.

5.     Báo cáo cấp ủy Đảng có thẩm quyền xem xét, thông qua (nếu có).

6.     Ra quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật theo quyền hạn phân cấp.

7.      Tổ chức công bố quyết định kỷ luật, báo cáo lên trên và lưu trữ hồ sơ ở đơn vị.”.

9. Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật trong một số trường hợp đặc biệt (Điều 42):

Từ thực tiễn của việc xử lý kỷ luật đối với những hành vi vi phạm kỷ luật, Tổ soạn thảo Thông tư đã nghiên cứu, đề xuất bổ sung 02 trường hợp đặc biệt là:

“3. Trường hợp bị kỷ luật tước danh hiệu quân nhân thì chỉ huy đơn vị quản lý quân nhân bị xử lý từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên phải cử người đưa quân nhân bị kỷ luật, cùng toàn bộ hồ   sơ có liên quan bàn giao cho cơ quan quân sự cấp huyện nơi quân nhân cư trú (trừ trường hợp đào ngũ không trở lại đơn vị hoặc bị tòa án tuyên án phạt tù).

4. Trường hợp quân nhân đào ngũ bị xử lý kỷ luật vắng mặt thì đơn vị gửi văn bản thông báo hình thức xử lý và yều cầu quân nhân vi phạm trở lại đơn vị về Ủy ban nhân dân cấp phường, xã, thị trấn, cơ quan quân sự cấp huyện nơi quân nhân cư trú và gia đình quân nhân. Nếu sau 30 ngày, kể từ ngày thông báo mà quân nhân vi phạm vẫn không trở lại đơn vị thì bị coi là đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm”.

10. Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật (Điều 43):

Đây là nội dung được sửa đổi toàn diện để bảo đảm phù hợp, thống nhất với Luật cán bộ, công chức năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019 vừa được Quốc hội thông qua:

“1. Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì người có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật.

a)      Thời hiệu xử lý kỷ luật là 60 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu trong thời hiệu xử lý kỷ luật, người vi phạm có hành vi vi phạm mới thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới;

b)      Không áp dụng thời hiệu đối với: Hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật tước quân hàm sĩ quan và tước danh hiệu quân nhân; hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; hành vi vi phạm xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp và quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ.

2.  Thời hạn xử lý kỷ luật đối với quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Thời hạn xử lý kỷ luật là 03 tháng. Trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian kiểm tra, xác minh làm rõ thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 05 tháng.

3.  Trường hợp người vi phạm kỷ luật có liên quan đến vụ việc, vụ án đang bị các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử thì trong thời gian điều tra, truy tố, xét xử, đơn vị tạm dừng việc xem xét xử lý kỷ luật. Khi có kết luận cuối cùng của cơ quan pháp luật có thẩm quyền hoặc bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật thì xem xét xử lý kỷ luật theo quy định. Thời hạn xem xét xử lý kỷ luật áp dụng theo Khoản 2 Điều này.

4.  Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải chịu trách nhiệm về việc xử lý kỷ luật đối với người vi phạm trong thời hạn quy định.”.

11.            Thời hạn công nhận tiến bộ (Điều 44):

Sau 12 tháng đối với các hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm và sau 24 tháng đối với các hình thức giáng chức, cách chức kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực mà người vi phạm không có vi phạm mới đến mức phải xử lý kỷ luật thì đương nhiên được công nhận tiến bộ.

Trong 12 tháng đối với các hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm và trong 24 tháng đối với các hình thức giáng chức, cách chức kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực, nếu người vi phạm lại bị xử lý kỷ luật thì thời hạn công nhận tiến bộ được tính từ ngày quyết định kỷ luật mới có hiệu lực.

Người vi phạm kỷ luật đã được công nhận tiến bộ theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà lại vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật thì khi xem xét xử lý kỷ luật được coi là hành vi vi phạm mới.

12.              Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người vi phạm kỷ luật thuộc quyền quản lý (Điều 45):

-     Tiểu đội trưởng và chức vụ tương đương được quyền khiển trách chiến sĩ.

-       Trung đội trưởng và chức vụ tương đương được quyền khiển trách đến tiểu đội trưởng và tương đương.

-        Đại đội trưởng, chính trị viên đại đội, trạm trưởng Biên phòng và chức vụ tương đương được quyền:

+ Khiển trách đến trung đội trưởng và tương đương; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đến cấp đại úy; công chức, công nhân và viên chức quốc phòng có mức lương tương đương cấp đại úy;

+ Cảnh cáo đến tiểu đội trưởng và tương đương; hạ sĩ quan đến cấp trung sĩ; công chức, công nhân và viên chức quốc phòng có mức lương tương đương cấp thượng úy;

-     Tiểu đoàn trưởng, chính trị viên tiểu đoàn; đồn trưởng, chính trị viên đồn Biên phòng và chức vụ tương đương được quyền:

+ Khiển trách đến đại đội trưởng, chính trị viên đại đội; trạm trưởng Biên phòng và tương đương;   sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đến cấp thiếu tá; công chức, công nhân và viên chức quốc phòng có mức lương tương đương cấp thiếu tá;

+ Cảnh cáo đến trung đội trưởng và tương

đương; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đến cấp đại úy; công chức, công nhân và viên chức quốc phòng có mức lương tương đương cấp đại úy;

+ Giáng cấp quân hàm từ binh nhất xuống binh nhì.

-       Trung đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn, lữ đoàn và chức vụ tương đương được quyền:

+ Khiển trách đến tiểu đoàn trưởng, chính trị viên tiểu đoàn; đồn trưởng, chính trị viên đồn Biên phòng và tương đương; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đến cấp trung tá; công chức, công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương dưới 6,20;

+ Cảnh cáo đến đại đội, chính trị viên đại đội; trạm trưởng Biên phòng và tương đương; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đến cấp thiếu tá; công chức, công nhân và viên chức quốc phòng có mức lương tương đương cấp thiếu tá;

+ Giáng chức, cách chức tiểu đội trưởng và tương đương;

+ Giáng cấp bậc quân hàm, tước danh hiệu quân nhân đến cấp trung sĩ.

-      Sư đoàn trưởng, chính ủy sư đoàn và chức vụ tương đương được quyền:

+ Khiển trách đến trung đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn và tương đương; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đến cấp thượng tá; công chức, công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương dưới 6,80;

+ Cảnh cáo đến tiểu đoàn trưởng, chính trị viên tiểu đoàn và tương đương; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đến cấp trung tá; công chức, công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương dưới 6,20;

+ Giáng chức, cách chức đến phó tiểu đoàn trưởng, chính trị viên phó tiểu đoàn và tương đương;

+ Giáng cấp bậc quân hàm, tước danh hiệu quân nhân đến cấp thượng sĩ.

-           Tư lệnh, chính ủy Vùng Hải quân, Vùng Cảnh sát biển Việt Nam được quyền:

+ Khiển trách đến hải đội trưởng, chính trị viên hải đội và tương đương; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đến cấp thượng tá; công chức, công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương dưới 6,80;

+ Cảnh cáo đến thuyền trưởng, chính trị viên tàu và tương đương; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đến cấp trung tá; công chức, công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương dưới 6,20;

+ Giáng chức, cách chức đến phó thuyền trưởng, chính trị viên phó tàu và tương đương;

+ Giáng cấp bậc quân hàm, tước danh hiệu quân nhân đến cấp thượng sĩ.

-     Tư lệnh, chính ủy các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh 86; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, binh chủng và chức vụ tương đương được quyền:

+ Khiển trách đến sư đoàn trưởng, chính ủy sư đoàn; tư lệnh, chính ủy Vùng Cảnh sát biển Việt Nam và tương đương;

+ Cảnh cáo đến trung đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn, lữ đoàn và tương đương; sĩ quan đến cấp đại tá, trừ các chức vụ quy định tại Điểm a Khoản 8 Điều 45;

+ Hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm sĩ quan đến thiếu tá, quân nhân chuyên nghiệp đến trung tá, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương dưới 6,20;

+ Giáng chức, cách chức đến phó trung đoàn trưởng, phó lữ đoàn trưởng, phó chính ủy trung đoàn, lữ đoàn và tương đương.

-      Tư lệnh, chính ủy quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng, quân đoàn; Chủ nhiệm, Chính ủy Tổng cục Hậu cần, Kỹ thuật, Công nghiệp Quốc phòng, Tổng cục II; Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng và tương đương được quyền:

+ Khiển trách đến sư đoàn trưởng, chính ủy, sư đoàn; tư lệnh, chính ủy vùng Hải quân; chỉ huy trưởng, chính ủy bộ chỉ huy quân sự tỉnh (thành phố); Bộ đội Biên phòng tỉnh (thành phố) và tương đương;

+ Cảnh cáo đến trung đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn, lữ đoàn và tương đương, sĩ quan đến cấp đại tá (trừ các chức vụ quy định tại Điểm a Khoản 9 Điều 45);

+ Hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm đến trung tá, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương dưới 6,20;

+ Giáng chức, cách chức đến trung đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng; chính ủy trung đoàn, lữ đoàn; chỉ huy trưởng, chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.

-     Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có thẩm quyền xử lý kỷ luật như quy định tại Khoản 9 Điều này.

-      Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xử lý kỷ luật với các đối tượng thuộc thẩm quyền theo quy định.

Việc xây dựng Thông tư số 16/2020/TT-BQP ngày 21/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng thay thế Thông tư 192/2016/ TT-BQP nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật nghĩa vụ quân sự và Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, Luật cán bộ, công chức năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đồng thời để bảo đảm thực hiện thống nhất, chặt chẽ, đầy đủ, không bỏ lọt hành vi vi phạm, khách quan, toàn diện trong việc xử lý kỷ luật đối với quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại./.