NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ
(Chuyên đề đã được thông qua Tổ tư vấn pháp luật Tòa án quân sự Quân khu 2)
Luật Quản
lý, bảo vệ CTQP và KQS đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày
24/11/2023 gồm 06 chương và 34 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Phần thứ nhất
SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM XÂY
DỰNG LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CTQP VÀ KQS
Công
trình quốc phòng (CTQP) và Khu quân sự (KQS) là tài sản Nhà nước, được giao cho
Quân đội và chính quyền các cấp tổ chức xây dựng, quản lý, sử dụng, bảo vệ để
phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc quản lý, bảo vệ CTQP và KQS
là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân, nòng cốt
là lực lượng quân đội. Sau 28 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ CTQP và KQS số
32-L/CTN (Pháp lệnh) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công tác quản lý, bảo vệ
CTQP và KQS đã đạt được những kết quả quan trọng bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ
quốc phòng; góp phần tích cực vào củng cố, xây dựng thế trận khu vực phòng thủ (KVPT), tăng cường tiềm lực quốc
phòng để bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy
nhiên, để thể chế và cụ thể hóa những chủ trương mới của Đảng, quy định của
Hiến pháp năm 2013 liên quan đến bảo vệ Tổ quốc; đồng bộ với hệ thống văn bản QPPL hiện hành với nhiều nội dung về quản lý, bảo vệ CTQP
và KQS đang được quy định ở các văn bản dưới luật. Bên cạnh đó, công tác quản
lý, bảo vệ CTQP và KQS mang tính đặc thù, có sự khác biệt so với việc quản lý,
bảo vệ công trình xây dựng và tài sản công thông thường (bảo mật thông tin về
vị trí, kết cấu, tính chất, mục đích sử dụng); cần thiết phải xây dựng Luật
thay thế cho Pháp lệnh 32-L/CTN để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế -
xã hội và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
1.
Cơ sở chính trị
Từ năm 1995 đến nay, Đảng
ta đã ban hành nhiều chủ trương, quan điểm về bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc
phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân cần tiếp tục được thể
hóa như:
- Nghị quyết số 28-NQ/TW (22/8/2008) của Bộ Chính trị khóa X và Chỉ thị số
07-CT/TW (03/10/2011) của Ban Bí thư về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới.
-
Nghị quyết số 28-NQ/TW (25/10/2013) của BCHTW khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ
quốc trong tình hình mới.
- Nghị quyết số 24-NQ/TW (16/4/2018) của Bộ Chính trị khóa XII về Chiến lược
quốc phòng Việt Nam.
- Kết luận số 31-KL/TW (16/4/2018) của Bộ Chính trị về
chiến lược quân sự Việt Nam.
- Kết
luận số 64-KL/TW (30/10/2019) của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết
số 28-NQ/TW về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
thành KVPT vững chắc trong tình hình mới.
- Nghị quyết Đại hội XIII
của Đảng đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.
Những chủ trương trên cần phải được tiếp tục thể chế, cụ thể hóa bằng các
quy định của pháp luật, trong đó có pháp luật về quản lý, bảo vệ CTQP và KQS để
tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo vệ bảo đảm chặt chẽ, góp
phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng củng
cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, gắn kết chặt chẽ với phát triển
kinh tế - xã hội của đất nước.
2. Cơ sở pháp lý
Việc quản lý, bảo vệ CTQP
và KQS bao gồm nhiều nội dung, trong đó có việc hạn chế quyền đi lại, hoạt động
của người dân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi cần quản lý, bảo vệ đối với một
số trường hợp nhất định. Tuy nhiên, các nội dung này mới chỉ được quy định tại
các văn bản dưới luật[1] nên chưa đáp ứng được
yêu cầu về tính pháp lý và có nội dung (hạn chế quyền con người) không phù hợp
với quy định của Hiến pháp. Để xây dựng, củng
cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng KVPT vững chắc và phù hợp với các
quy định của Hiến pháp và Luật Quốc phòng, cần thiết phải ban hành luật để tạo
cơ sở pháp lý trong quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.
3. Cơ sở thực tiễn
- Thứ nhất, hệ thống văn bản QPPL có nội
dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội đã được ban hành mới hoặc sửa
đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; trong đó có nhiều nội dung liên
quan đến công tác quản lý, bảo vệ CTQP và KQS (Luật Đất đai năm 2013; Luật Quản
lý, sử dụng tài sản công năm 2017; Luật Quy hoạch năm 2017; Luật Đầu tư năm
2020; Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020…). Thời gian qua, do yêu cầu chủ
quan và khách quan, một số CTQP và KQS phải chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc
phá dỡ, di dời đi nơi khác; đây là các trường hợp thực tế cần có cơ chế pháp lý
phù hợp để làm cơ sở thực hiện. Qua rà soát, việc chuyển đổi mục đích sử dụng
KQS mà bản chất là chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng sang mục đích khác
chưa được quy định cụ thể trong các văn bản QPPL về đất đai hiện hành; việc xử lý
tài sản công theo “Hình thức khác theo quy định của pháp luật” nêu trên cũng
chưa được quy định cụ thể.
- Thứ hai, sau 28 năm triển khai thi hành Pháp lệnh, bên cạnh những
kết quả đạt được cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, như: Việc xác định
phạm vi, ranh giới khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của CTQP và
KQS trên thực tế chưa thống nhất, khó khăn trong thực hiện do pháp luật chưa
quy định cụ thể, rõ ràng về các tiêu chí xác định và chế độ quản lý đối với
từng khu vực này. Một số CTQP, lô cốt, hầm hào cũ nằm rải rác trong các khu
dân cư hoặc trên các trục đường giao thông giá trị sử dụng hạn chế do ảnh hưởng
của quá trình phát triển kinh tế - xã hội (đô thị hóa, các khu công nghiệp, hạ
tầng giao thông…). Các CTQP, KQS là thao trường, bãi tập, trường bắn,...
thường nằm trên vùng đồi núi, địa hình phức tạp, có nơi ranh giới chưa rõ ràng
nên công tác quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn, còn xảy ra hiện tượng tranh
chấp, chồng lấn, xâm canh trái phép vào phạm vi được giao quản lý, bảo
vệ; công tác phối hợp giữa các địa phương với Bộ Quốc phòng và các đơn vị quân đội trong xác định
phạm vi, ranh giới để tổ chức quản lý, bảo vệ chưa được triển khai đồng bộ. Việc xây dựng các quy
hoạch, cấp phép hoạt động ở một số dự án phát triển kinh tế - xã hội và công
tác quản lý người nước ngoài cư trú, lưu trú ở một số địa phương, khu vực có
liên quan đến CTQP và KQS chưa chặt chẽ. Lực lượng quản lý, bảo vệ ở một số
nơi còn mỏng, nên khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ; hành vi vi phạm pháp luật
liên quan đến CTQP và KQS còn xảy ra ở một số nơi, gây ảnh hưởng đến tình hình
an ninh, trật tự trên địa bàn…
- Thứ
ba, căn cứ vào tình hình
chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm gần đây và dự báo chiến tranh
trong tương lai cho thấy, ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện các loại
hình chiến tranh mới, như: Chiến tranh thông tin, không gian mạng, sử dụng vũ
khí công nghệ cao; phương thức, phạm vi không gian, thời gian, môi trường, lực
lượng và thủ đoạn tác chiến trong chiến tranh cũng có nhiều thay đổi, khó dự
báo, đan xen với các yếu tố phi truyền thống. Đồng
thời, qua các cuộc chiến tranh cũng cho thấy, bên cạnh các yếu tố về lực lượng
và vũ khí trang bị tham gia chiến tranh thì các CTQP và KQS có ý nghĩa rất quan
trọng trong tác chiến phòng thủ. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu phải quan tâm xây
dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống CTQP và KQS theo quyết tâm, kế hoạch, phương
án tác chiến đã xác định; tổ chức quản lý, bảo vệ bảo đảm chặt chẽ để đáp ứng
yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
II.
MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT
1. Mục đích
- Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống
chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân,
thế trận chiến tranh nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc
độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình
mới.
- Tăng cường các
biện pháp quản lý, bảo vệ CTQP và KQS; xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu tiên các
chương trình đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội đối với địa phương, cơ quan,
tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn bị ảnh hưởng lớn về phát triển kinh
tế- xã hội; hạn chế đầu tư nước ngoài; chính sách đối với các khu vực bị hạn
chế về quyền sử dụng đất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác do yêu cầu quản
lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn CTQP và KQS.
- Thống nhất,
đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, tạo điều kiện phát triển kinh tế -
xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Quan
điểm chỉ đạo
- Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm
của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc,
nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới.
- Bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp năm 2013,
đồng bộ, thống nhất với Luật Quốc phòng năm 2018 và các văn bản quy phạm pháp
luật có liên quan.
- Nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong quản
lý, bảo vệ CTQP và KQS; kết hợp hài hòa giữa hoạt động quản lý, bảo vệ với phát
triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nhằm
tăng cường sức mạnh quốc phòng trong quá trình phát triển của đất nước.
- Kế thừa và phát triển các quy định của pháp
luật hiện hành về quản lý, bảo vệ CTQP và KQS đã được thực tiễn kiểm nghiệm thấy
phù hợp; đồng thời, bổ sung những nội dung mới để điều chỉnh, giải quyết những
vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Phần thứ hai
NỘI DUNG CƠ
BẢN CỦA LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CTQP VÀ KQS
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức,
hộ gia đình, cá nhân; chế độ, chính sách trong hoạt động quản lý, bảo vệ CTQP
và KQS.
2.
Giải thích từ ngữ
- Công
trình quốc phòng là công trình xây dựng, địa hình, địa vật tự nhiên được
xác định, cải tạo do quân đội, cơ quan, tổ chức được giao quản lý bảo vệ để
phục vụ cho hoạt động quân sự, quốc phòng, phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. CTQP có
thể nằm trong hoặc ngoài KQS.
- Khu quân sự là khu vực có giới hạn được
thiết lập trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên
không, xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự, quốc phòng.
- Kho
đạn dược là một CTQP hoặc KQS để cất trữ, sản xuất, sửa chữa, xử lý đạn
dược, nguyên liệu, vật liệu nổ của QĐND Việt Nam.
- Hệ thống ăng ten quân sự là một loại CTQP hoặc KQS, gồm tổ hợp đồng
bộ các trang thiết bị dùng để bức xạ hoặc thu sóng điện từ trong không gian,
phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của cấp chiến lược, chiến dịch QĐND
Việt Nam.
- Khu
vực cấm là khu vực được giới hạn bởi ranh giới trên mặt đất, trong lòng
đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không của CTQP, KQS được thiết lập để
kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động của người, phương tiện, bảo đảm an ninh, an
toàn và phòng, chống hành vi xâm nhập, phá hoại, thu nhập bị mật nhà nước, bí
mật quân sự.
- Khu
vực bảo vệ là khu vực được giới hạn bởi ranh giới trên mặt đất, trong lòng
đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không bao quanh phía ngoài khu vực cấm,
được thiết lập để kiểm soát hoạt động của người, phương tiện, bảo đảm an ninh,
an toàn cho CTQP, KQS.
- Vành
đai an toàn là khu vực được giới hạn bởi ranh giới bao quanh phía ngoài khu
vực cấm hoặc khu vực bảo vệ, được thiết lập theo yêu cầu quản lý, bảo vệ để đảm
bảo an ninh, an toàn cho CTQP, KQS.
- Phạm
vi bảo vệ CTQP và KQS là giới hạn không gian được thiết lập để quản lý, bảo
vệ CTQP và KQS; có thể bao gồm đầy đủ khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an
toàn hoặc chỉ có khu vực cấm và khu vực bảo vệ hoặc chỉ có khu vực cấm và vành
đai an toàn. Đối với kho đạn dược, phạm vi bảo vệ gồm khu vực cấm và vành đai
an toàn kho đạn được; đối với hệ thống ăng ten quân sự, phạm vi bảo vệ gồm khu
vực cấm và hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng ten quân sự.
- Vành đai an toàn kho đạn dược
là khu vực bao quanh kho đạn dược, nằm giữa giới hạn trong và giới hạn ngoài
với khoảng cách bằng bán kính an toàn, gồm trên mặt đất, trong lòng đất, trên
mặt nước, dưới mặt nước, trên không.
- Hành
lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng ten quân sự là khu vực trên mặt đất,
trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không được giới hạn từ mép
ngoài hệ thống ăng ten quân sự trở ra xung quanh đến một khoảng cách nhất định
tùy thuộc vào tính năng kỹ thuật của từng hệ thống ăng ten để đảm bảo hoạt động
bình thường của hệ thống ăng ten quân sự.
3. Nguyên tắc quản lý, bảo vệ CTQP và KQS
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; phù hợp với điều
ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan; bảo
vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
-
Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, là trách nhiệm
của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó quân
đội làm nòng cốt.
- Kết hợp quản lý, bảo vệ CTQP và KQS với phát
triển kinh tế - xã hội, gắn phát triển kinh tế - xã hội với quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.
- Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS phải thống nhất theo
quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt; bảo đảm bí
mật, an toàn, đúng mục đích, công năng sử dụng, phù hợp với từng loại, nhóm CTQP và KQS.
4. Chính sách của
Nhà nước trong quản lý, bảo vệ CTQP và KQS
- Bảo đảm nguồn lực cho quản lý, bảo vệ CTQP
và KQS, ưu tiên địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc
phòng, CTQP, KQS đặc biệt quan trọng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.
- Có chế độ, chính sách phù hợp cho các lực
lượng quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.
- Có chế độ, chính sách phù hợp để bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quyền
và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị tác động, ảnh hưởng do hoạt động quản lý, bảo vệ
CTQP và KQS.
- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ
tiên tiến, hiện đại và hoạt động quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.
5.
Phân loại CTQP và KQS
CTQP và KQS được phân
thành 04 loại:
- Loại A phục vụ nhiệm vụ
tác chiến phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Ví dụ: CTQP gồm công trình chỉ
huy, công trình tác chiến, sân bay quân sự, bến cảng quân sự, hang động tự
nhiên được cải tạo hoặc quy hoạch sử dụng cho nhiệm vụ tác chiến...: KQS bao
gồm khu vực sở chỉ huy các cấp, khu vực bố trí trận địa chiến đấu hoặc bảo đảm
chiến đấu.
- Loại B phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập
của quân đội và dân quân tự vệ. Ví dụ: CTQP gồm công trình
trường bắn, thao trường huấn luyện; KQS gồm trường bắn, trung tâm huấn luyện,
khu vực phục vụ diễn tập quân sự.
- Loại C phục vụ cất trữ, sửa chữa,
tiêu hủy vũ khí, đạn dược, trang
bị, nghiên cứu, thử
nghiệm, sản xuất các sản phẩm quốc phòng. Ví dụ: CTQP cất trữ đạn dược, vũ khí,
trang bị kỹ thuật các cấp; cất trữ vật chất hậu cần, xăng dầu
phục vụ quân đội; công trình phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vũ khí…;
KQS gồm kho đạn dược, trang bị kỹ thuật, vật chất hậu cần, nhà máy, xí nghiệp
quốc phòng, cơ sở nghiên cứu…
- Loại D phục vụ sinh hoạt, học tập, làm việc
thường xuyên của quân đội. Ví dụ: CTQP gồm nhà làm việc, nhà ở,
nhà ăn, nhà bếp, hội trường...; KQS gồm cơ quan quân sự các cấp, doanh trại
quân đội, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, bệnh viện, bệnh xá, cơ sở an
dưỡng …
6.
Phân nhóm CTQP và KQS
CTQP và KQS được phân
thành 04 nhóm:
- Nhóm đặc biệt: Gồm các CTQP, KQS đặc biệt
quan trọng phải áp dụng biện pháp quản lý, bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt để bảo
đảm bí mật, an toàn tuyệt đối. Ví dụ: CTQP, KQS phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà
nước, cơ quan, đơn vị cấp chiến lược của Bộ Quốc phòng; cơ sở nghiên cứu, thử
nghiệm, sản xuất đặc biệt về vũ khí…
- Nhóm 1: Gồm các CTQP,
KQS rất quan trọng có yêu cầu quản lý, bảo vệ rất
nghiêm ngặt, bảo đảm bí mật, an toàn được phân loại thành 04 nhóm A, B, C, D.
Ví dụ: Loại A phục vụ nhiệm vụ tác chiến phòng thủ biên giới, vùng trời, vùng
biển, hải đảo, nhiệm vụ quân sự- quốc phòng cấp chiến dịch, công trình sơ tán
thời chiến của Ban, Bộ, ngành Trung ương; Loại B gồm các trung tâm huấn luyện
quân sự quốc gia, trường bắn, thao trường huấn luyện…; Loại C gồm các kho đạn
dược, vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật chất, hậu cần..; Loại D gồm trụ sở làm
việc của cơ quan Bộ Quốc phòng…
- Nhóm 2: Gồm các CTQP, KQS quan trọng có yêu cầu quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, bảo đảm bí mật, an toàn được chia thành 04 loại. Loại A là các CTQP và KQS phục vụ nhiệm vụ quân
sự quốc phòng của cấp chiến thuật. Loại B gồm trường bắn cấp sư đoàn, Bộ CHQS
cấp tỉnh và tương đương…; Loại C gồm các kho đạn dược, vũ khí, trang bị kỹ
thuật, vật chất hậu cần, nhà máy sản xuất sản phẩm quốc phòng cấp chiến dịch…;
Loại D gồm trụ sở làm việc cơ quan các quân khu, quân đoàn, binh chủng và tương
đương…
- Nhóm 3: Gồm các CTQP, KQS được áp dụng các biện
pháp quản lý, bảo vệ để bảo đảm bí mật, an toàn
được chia thành 04 loại A, B, C, D. Loại A gồm thành cổ, pháo đài cổ, hầm, hào,
lô cốt..; Loại B gồm trường bắn, thao trường huấn luyện cấp trung đoàn, cấp
huyện và tương đương…; Loại C gồm các kho đạn dược, vũ khí, trang bị kỹ thuật
cấp chiến thuật…; Loại D gồm trụ sở làm việc của cơ quan cấp sư đoàn, Bộ CHQS
cấp tỉnh và tương đương trở xuống…
Mục đích của việc phân loại, phân nhóm CTQP và KQS để làm cơ sở xác định phạm vi bảo vệ; yêu cầu, nội dung quản lý, bảo vệ; chế độ, biện pháp tổ chức quản lý, bảo vệ phù hợp với từng loại, nhóm CTQP và KQS. Ngoài ra, còn làm cơ sở để xây dựng chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.
7. Công trình lưỡng dụng
Để sử dụng cho cả mục đích quân sự,
quốc phòng và mục đích dân sự, gồm công trình
dân sự có tính lưỡng dụng và CTQP sử dụng lưỡng dụng, được cấp có thẩm quyền quyết định
khi phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc chuyển đổi, bổ sung mục đích sử dụng. Ví dụ: Sân bay
Phù Cát - Bình Định; Sân bay Phan Thiết - Bình Phước; Bệnh viện 108, Bệnh viện
175... Ngoài ra luật quy định về quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư công trình
lưỡng dụng, việc quản lý, sử dụng, bảo vệ, thống kê, kiểm kê công trình lưỡng
dụng. Đây là những quy định mới nhằm giải quyết yêu cầu thực tiễn trong quản
lý, bảo vệ CTQP, thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với phát triển kinh
tế xã hội.
8. Các hành vi bị nghiêm cấm : Có 06 nhóm hành vi bị nghiêm cấm
gồm:
- Chiếm đoạt,
chiếm giữ, lấn chiếm, xâm nhập trái phép; phá hoại, làm hư hỏng kiến trúc, kết cấu, trang
thiết bị của CTQP và KQS.
- Thu thập trái phép,
chiếm đoạt, hủy hoại, làm lộ bí mật hồ sơ, tài liệu, thông tin CTQP và KQS.
- Sử dụng trái phép, sai mục đích; chuyển mục
đích sử dụng, phá dỡ CTQP và di dời KQS trái quy định của pháp luật.
- Xây dựng, khai thác, đặt thiết bị làm ảnh hưởng đến
kiến trúc, kết cấu, công năng sử dụng, an toàn, bí mật của CTQP và KQS.
- Cản trở, chống đối việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng quản lý, bảo
vệ hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.
- Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ
được giao trong quản lý, bảo vệ CTQP và KQS
để trục lợi, xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá
nhân.
Căn cứ theo tính chất
mức độ của hành vi thì người vi phạm có thể bị xử phạt về hành chính; xử lý
hình sự theo quy định pháp luật. Ví dụ: Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương
tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303 BLHS), Tội cố ý làm lộ bí mật nhà
nước (Điều 337 BLHS).
II.
QUẢN LÝ CTQP VÀ KQS
Quy định 05 nội dung:
1. Lập hồ sơ quản lý CTQP và KQS
Quy định cụ thể: (1) Thành phần hồ sơ quản lý CTQP, KQS; (2) trách nhiệm lập hồ sơ quản lý
CTQP, KQS; (3) hồ sơ được xác định độ mật phù
hợp với từng loại, nhóm CTQP, KQS; được lưu trữ, quản lý, sử dụng theo quy định của Luật này và pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Bộ trưởng
Bộ Quốc phòng quy định chi tiết về việc lập hồ sơ quản lý CTQP
và KQS.
2. Bảo quản, bảo trì CTQP
Quy định CTQP được bảo quản, bảo trì thường xuyên và định kỳ
theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, bảo đảm an toàn để
duy trì khả năng sử dụng theo công năng, nhiệm vụ. Đơn vị quản lý, sử dụng CTQP
có trách nhiệm bảo quản, bảo trì công trình theo kế hoạch và quy trình bảo
quản, bảo trì, phù hợp với từng loại, nhóm CTQP, trang thiết bị lắp đặt trong
công trình. CTQP loại A trong thời bình được bảo quản, bảo trì thường xuyên
hoặc niêm cất, lấp phủ; khi có yêu cầu nhiệm vụ thì mở niêm cất, lấp phủ.
3. Chuyển mục đích sử dụng CTQP và KQS
Nguyên tắc chuyển mục
đích sử dụng là không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo đảm
bí mật Nhà nước; phù hợp với quy hoạch hệ thống CTQP, KQS được cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
-
Các trường hợp CTQP và KQS được chuyển mục đích sử dụng, gồm:
+ Chuyển mục đích sử dụng CTQP, KQS do Bộ
Quốc phòng quản lý theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
+ Không còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cần chuyển
mục đích sử dụng để phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu dân sinh.
+ Còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nhưng nằm trong
phạm vi thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch được cấp có
thẩm quyền phê duyệt và được Bộ Quốc phòng thống nhất bằng văn bản về chuyển
mục đích sử dụng CTQP, KQS trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
- Thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử
dụng CTQP và KQS:
+ Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng CTQP, KQS sang
mục đích khác khi: Không còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc
phòng cần chuyển mục đích sử dụng để phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu
cầu dân sinh hoặc còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nhưng
nằm trong phạm vi thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch
được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được Bộ Quốc phòng thống nhất bằng văn bản
về chuyển mục đích sử dụng CTQP, KQS trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu
tư dự án. Đồng thời xem xét, chấp thuận việc thu hồi đất theo quy định của pháp
luật về đất đai đối với diện tích đất có CTQP, KQS được chuyển sang mục đích
khác.
+ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định hoặc phân cấp
thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng CTQP,
KQS trong trường hợp CTQP, KQS do Bộ Quốc
phòng quản lý theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự,
quốc phòng.
Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng CTQP, KQS sang
mục đích khác, đồng thời xem xét, chấp thuận việc thu hồi đất theo quy định của
pháp luật về đất đai đối với diện tích đất có CTQP, KQS được chuyển sang mục
đích khác (điểm a khoản 3 Điều 12) là điểm mới so với Pháp lệnh 32. Việc quy
định thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng CTQP và
KQS tạo điều kiện thuận lợi để các bộ, ngành, địa phương triển khai các dự án
phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến việc thu hồi đất quốc phòng, khắc
phục một số bất cập hiện nay trong chuyển mục đích sử dụng và thu hồi đất quốc
phòng, đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.
4. Phá dỡ CTQP, di rời KQS
- Các trường hợp phá dỡ CTQP:
+ Bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn trong quản lý,
khai thác.
+ Đã hoàn thành nhiệm vụ đối với
công trình được xây đựng, lắp đặt tạm thời.
+ Không còn nhu cầu sử
dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nhưng do yêu cầu đảm bảo bí mật Nhà nước
mà không chuyển mục đích sử dụng.
+ Nằm trong phạm vi thực
hiện dự án phát triển KT-XH mà cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư thực hiện dự án
không có nhu cầu tiếp tục sử dụng hoặc phải phá dỡ để đảm bảo bí mật Nhà nước.
- Các trường hợp di dời KQS:
+ Theo yêu cầu của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
+ Để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy
hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Trách nhiệm quản lý CTQP và KQS
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao đơn vị trong biên
chế đảm nhiệm chuyên trách quản lý, bảo vệ CTQP, KQS
nhóm đặc biệt và CTQP nhóm I thuộc
loại A không niêm cất, lấp
phủ. Cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng trực tiếp
sử dụng hoặc được giao có trách
nhiệm quản lý CTQP, KQS
nhóm I, nhóm II và nhóm III, trừ công trình quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật.
- Trong phạm vi chức năng,
nhiệm vụ, các Ban, Bộ, ngành trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và UBND cấp tỉnh nơi có công
trình sơ tán thời chiến của Ban, Bộ, ngành mình tổ chức thực hiện nội dung quản
lý CTQP và KQS. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, UBND các cấp phối hợp với Bộ
Quốc phòng, Ban, Bộ, ngành trung ương, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa
bàn thực hiện nội dung quản lý đối với CTQP và KQS tại địa phương.
III. BẢO VỆ CTQP VÀ KQS
1.
Nội dung bảo vệ CTQP và KQS
Bao gồm: Xác định phạm vi bảo vệ CTQP và
KQS; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ, phòng
chống các hành vi xâm hại đến an toàn, bí mật của CTQP và KQS; phòng chống thiên tai, hỏa hoạn. Bảo đảm an toàn về người, vũ khí, công cụ hỗ
trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và cơ sở vật chất
trong quản lý, bảo vệ CTQP và KQS; xây dựng địa bàn nơi có CTQP và KQS ổn
định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
2. Xác định phạm vi bảo vệ CTQP và KQS
Bao gồm: Khu vực cấm; khu vực bảo vệ; vành đai an toàn,
vành đai an toàn kho đạn dược; hành lang an toàn hệ
thống ăng ten quân sự; trong đó:
-
Phạm vi khu vực cấm: Được xác định theo từng loại, nhóm, yêu cầu
quản lý bảo vệ, vị trí, điều kiện địa hình, dân cư nơi có
CTQP, KQS.
- Phạm vi khu vực bảo vệ: Được xác định từ ranh giới của khu
vực cấm trở ra xung quanh một khoảng cách nhất định theo từng loại, nhóm, được
thể hiện trên sơ đồ, bản đồ và thực địa, có cột mốc, biển báo, phao tiêu để xác
định.
-
Phạm vi vành đai an toàn: Được tính từ ranh giới phía ngoài của khu vực bảo vệ hoặc
khu vực cấm trở ra xung quanh một khoảng cách nhất định
theo loại, nhóm,
yêu cầu quản lý, bảo vệ, vị trí,
điều kiện địa hình, dân cư, được thể hiện trên sơ đồ,
bản đồ, văn bản của cấp có thẩm quyền.
- Phạm vi vành đai an toàn: Kho đạn dược được xác định từ giới
hạn trong trở ra xung quanh với khoảng cách bằng bán kính an toàn được thể hiện
trên sơ đồ, bản đồ và thực địa, có cột mốc, biển báo, phao tiêu hoặc hào ngăn
cách để xác định.
- Phạm vi hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự: Xác định theo tính năng kỹ thuật của từng hệ thống ăng-ten quân sự.
- Phạm
vi bảo vệ của CTQP loại A thuộc nhóm III
và KQS loại D thuộc nhóm III chỉ xác định khu vực cấm,
không xác định khu vực bảo vệ và vành đai an toàn.
Đây là những nội dung mới, trước đây chỉ được quy
định tại Thông
tư của Bộ Quốc phòng.
3.
Chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn CTQP và
KQS; vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten
quân sự
- Chế độ bảo vệ đối với khu vực
cấm:
+ Chỉ thực hiện hoạt động quân sự, quốc phòng phù hợp với công năng, nhiệm vụ của
CTQP, KQS.
+ Người, phương tiện có nhiệm
vụ ra, vào khu vực cấm phải mang theo các loại giấy tờ do cấp có thẩm
quyền quy định; chỉ thực hiện nhiệm vụ được phê
duyệt và chịu sự kiểm tra, hướng dẫn của lực lượng bảo vệ.
+ Không được ghi âm, ghi hình, điều tra, khảo sát,
định vị, đo vẽ, ghi chép miêu tả, đăng tải, phát tán trên phương tiện thông tin đại chúng, không gian mạng về CTQP, KQS, trừ trường hợp được cấp có thẩm quyền đồng ý.
- Chế độ bảo vệ đối với khu vực
bảo vệ CTQP và KQS nhóm
đặc biệt:
+ Cá nhân, hộ gia đình
thường trú trong phạm vi bảo vệ được hoạt động canh tác nông nghiệp, lâm
nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp nhưng không được làm biến dạng địa hình tự
nhiên.
+ Không được thực hiện
hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, xử lý sự cố cháy, nổ sự cố môi trường, ghi âm, ghi
hình, điều tra, khảo sát, định vị, đo vẽ, ghi chép miêu tả, đăng tải, phát tán
trên phương tiện thông tin đại chúng, không gian mạng về CTQP, KQS trừ trường
hợp được cấp có thẩm quyền đồng ý.
- Chế độ bảo vệ đối với khu vực
bảo vệ CTQP và KQS nhóm I, II, III:
+ Không được thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản; hoạt động du lịch;
thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư
nước ngoài.
+ Được thực hiện các hoạt động khi
được cấp có thẩm quyền cho phép: xây dựng công trình hạ tầng giao thông, thủy
lợi, viễn thông, phòng, chống thiên tai, công trình phục vụ phòng, chống cháy,
nổ, cứu hộ, cứu nạn, nhà ở và công trình, vật kiến trúc; trùng tu, sửa chữa các
công trình văn hóa, di tích lịch sử; hoạt động của các phương tiện vận chuyển.
- Chế độ bảo vệ đối với vành đai an toàn CTQP và KQS nhóm đặc biệt:
+
Hoạt động khai thác tài nguyên rừng, khoáng sản, vật liệu xây dựng, mở
mới, mở rộng các điểm du lịch và các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội
phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Quốc phòng.
+ Các dự án đầu tư của nhà
đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài do Thủ tướng Chính
phủ quyết định.
- Chế độ bảo vệ đối với vành đai an
toàn kho đạn dược:
+ Không được xây dựng nhà ở, công trình, vật kiến trúc, trừ trường hợp quy định
tại điểm b khoản 6 Điều 18; sử dụng lửa, vật liệu nổ, thiết bị, vật liệu dễ gây
cháy, nổ, vật thể bay mang lửa; thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản; neo
đậu, dừng đỗ phương tiện vận chuyển; săn bắn; tham quan du lịch; hoạt động tập
trung đông người.
+ Được thực hiện các hoạt động khi được
cấp có thẩm quyền cho phép: xây dựng công trình phục vụ hoạt động trực tiếp của
CTQP, KQS và kho đạn dược; canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm
nghiệp; xây dựng các công trình phục vụ và hoạt động phòng, chống cháy, nổ, cứu
hộ, cứu nạn; xây dựng công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, đê điều, phòng,
chống thiên tai; xây dựng đường điện cao thế dưới 110 kV trong phạm vi bán kính
500 mét tính từ giới hạn trong của vành đai an toàn kho đạn dược trở ra; ghi
âm, ghi hình.
- Chế độ bảo vệ đối với hành lang
an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự:
+ Không được xây dựng nhà ở,
công trình, vật kiến trúc vi phạm khoảng cách tối thiểu của các chướng ngại vật
ăng-ten nằm trong hành lang an toàn kỹ thuật theo quy định của Chính phủ; thăm
dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản; săn bắn, nổ mìn; tham quan du lịch và các
hoạt động tập trung đông người trong phạm vi 500 mét tính từ mép ngoài hệ thống
ăng-ten quân sự trở ra xung quanh.
+ Được thực hiện các hoạt động khi được cấp có thẩm quyền cho phép: canh
tác nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; xây dựng công trình viễn
thông không có phát xạ sóng điện từ; xây dựng công trình thủy lợi, đê điều,
phòng, chống thiên tai không vi phạm khoảng cách tối thiểu của các chướng ngại
vật ăng-ten nằm trong hành lang an toàn kỹ thuật theo quy định của Chính phủ;
ghi âm, ghi hình.
- Hoạt động của người nước ngoài,
người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong phạm vi bảo vệ CTQP và KQS:
+ Không được đi lại, hoạt
động trong khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn kho đạn dược và trong
phạm vi 500 mét tính từ mép ngoài hệ thống ăng-ten quân sự trở ra xung quanh
thuộc hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự, trừ trường hợp quy
định tại điểm d khoản 9 Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.
+ Người nước ngoài không
được cư trú trong phạm vi bảo vệ CTQP và KQS nhóm đặc biệt và nhóm I thuộc loại A,
trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 9 Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.
+ Người nước ngoài không
được thường trú trong vành đai an toàn CTQP và KQS.
+ Việc đi lại, hoạt động, tạm trú trong phạm vi bảo vệ CTQP và KQS của
người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi thực hiện hoạt động
ngoại giao nhà nước, hợp tác và đối ngoại quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
quy định.
Các quy định trên đã xác định rõ chế độ quản lý đối với từng khu vực
trong phạm vi bảo vệ của CTQP và KQS; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm
vụ quản lý, bảo vệ CTQP và KQS, đồng thời bảo đảm
quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân liên
quan, phù hợp với quy định của khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013; đây là điểm mới so với
Pháp lệnh 32.
4.
Xử lý công trình, vật kiến trúc, đất, đất có mặt nước trong phạm vi bảo vệ CTQP
và KQS
Trừ di tích lịch sử - văn hóa, công trình, vật kiến
trúc phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng sang mục đích quốc phòng hoặc di
dời, phá dỡ để đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ CTQP và KQS khi thuộc một trong
các trường hợp sau đây:
- Trong khu vực cấm.
- Trong khu vực bảo vệ CTQP và KQS
nhóm đặc biệt.
- Trong vành đai an toàn kho đạn dược.
- Trong hành lang an toàn kỹ thuật hệ
thống ăng-ten quân sự mà vi phạm khoảng cách tối thiểu của các chướng ngại vật
ăng-ten.
- Trong khu vực bảo vệ CTQP và KQS bảo
đảm cho các loại vũ khí trang bị làm ảnh hưởng đến tính năng chiến thuật, kỹ
thuật, hiệu quả sử dụng của vũ khí trang bị đó.
* Trách nhiệm của các
Bộ, Ban, ngành, UBND cấp tỉnh trong xử lý công trình, vật kiến trúc, diện tích
đất, đất có mặt nước:
- Bộ Quốc phòng chủ trì,
phối hợp với Bộ, ngành trung ương, UBND cấp tỉnh rà soát, tổng hợp các công trình, vật kiến trúc phải chuyển mục
đích sử dụng sang mục đích quốc phòng hoặc di dời, phá dỡ; diện tích đất, đất
có mặt nước trong khu vực cấm phải thực hiện thu hồi để sử dụng vào mục đích
quốc phòng theo quy định của pháp luật về đất đai; lập phương án, dự kiến nguồn
lực thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ, ngành trung ương liên
quan thực hiện phương án chuyển mục đích sử dụng hoặc di dời, phá dỡ đã được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
5. Lực lượng bảo vệ CTQP và
KQS
- Lực lượng bảo vệ CTQP và KQS gồm: (1) lực
lượng của Bộ Quốc phòng làm nòng cốt; (2) lực lượng của
Bộ Công an phối hợp tham gia bảo vệ; (3) lực lượng
bảo vệ của Ban, Bộ, ngành, địa phương được giao quản lý, sử dụng, bảo vệ CTQP.
- Lực lượng
bảo vệ do Bộ Quốc phòng quy định, bao gồm:
+ Lực lượng chuyên trách bảo vệ CTQP
và KQS nhóm
đặc biệt và các CTQP nhóm I loại A không niêm cất, lấp phủ.
+ Lực lượng bảo vệ của
đơn vị đóng quân trực tiếp quản lý, sử dụng CTQP và KQS.
+ Lực lượng
thuộc cơ quan quân sự địa phương
và dân quân tự vệ bảo vệ CTQP và KQS được giao quản lý, sử dụng trên địa bàn.
Người đứng đầu Ban, Bộ, ngành trung ương
có trách nhiệm tổ chức lực lượng thuộc phạm vi quản lý để bảo vệ công trình sơ tán thời chiến của cơ quan
mình; trường hợp không tổ chức được lực lượng
bảo vệ thì bàn giao công trình cho Bộ Quốc phòng để bố trí lực
lượng thuộc cơ quan quân sự địa phương trực tiếp
bảo vệ; khi cần sử dụng, Bộ Quốc phòng giao lại cho Ban, Bộ, ngành trung ương bảo vệ theo quy định của
Luật này.
6. Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thuộc Bộ
Quốc phòng bảo vệ CTQP và KQS
- Nhiệm vụ:
+ Tổ chức thu thập thông
tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình; xây dựng và tổ chức thực hiện kế
hoạch, phương án bảo vệ an ninh, an toàn CTQP và KQS.
+ Thực hiện công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu
tranh ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn, hoạt động thu thập thông tin trái phép, xâm phạm, phá hoại CTQP và KQS.
+ Tuần tra, canh gác, kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra, vào khu vực cấm, khu vực bảo vệ và thực hiện các hoạt động bảo vệ CTQP và KQS trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn của mình.
+ Xây dựng đơn vị an toàn; phối hợp với chính
quyền địa phương quản lý, bảo vệ CTQP và KQS và tổ
chức xây dựng địa bàn an toàn.
+ Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của
pháp luật.
- Quyền hạn:
+ Kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra, vào
khu vực cấm, khu vực bảo vệ CTQP và
KQS.
+ Ngăn chặn người, phương tiện ra, vào khu vực
cấm, khu vực bảo vệ, tạm giữ đồ vật, phương tiện khi
có căn cứ cho rằng người, phương tiện, đồ vật đó có
nguy cơ gây nguy hại đến an toàn của CTQP và
KQS.
+ Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, tạm cấm đường để thực hiện
nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và bảo đảm an toàn cho
người, tài sản trong phạm vi bảo vệ CTQP và KQS theo
quyết định của người chỉ huy cấp trung đoàn và
tương đương trở lên.
+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ CTQP và KQS theo quy
định của Luật này.
+ Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương
tiện kỹ thuật nghiệp vụ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, an toàn CTQP và KQS theo quy định của
pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
+ Sử dụng biện pháp bảo vệ khác theo quy định
của pháp luật.
IV. QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH, CÁ
NHÂN VÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH, NGÂN SÁCH BẢO ĐẢM TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ, BẢO VỆ CTQP
VÀ KQS
1.
Quyền, nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá
nhân trong quản lý, bảo vệ CTQP và
KQS
- Về quyền:
+ Cư trú, sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xây dựng và các hoạt động khác
theo quy định của Luật quản lý, bảo vệ CTQP và KQS và pháp luật có liên quan.
+ Được bồi thường,
hỗ trợ khi bị thiệt hại do thực
hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ CTQP và KQS theo
quy định của Luật quản lý, bảo vệ CTQP và KQS
và pháp luật có liên quan.
+ Được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ quy định tại khoản 2, 3 Điều 26 của Luật quản lý, bảo vệ CTQP
và KQS.
- Về nghĩa vụ:
+ Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ CTQP
và KQS.
+
Thông báo, cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương hoặc đơn vị quản lý,
bảo vệ ngay khi phát hiện hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ CTQP và
KQS.
+ Thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền
trong quản lý, bảo vệ CTQP và KQS; hỗ trợ, giúp đỡ cơ quan,
tổ chức và người có trách nhiệm thực hiện quản
lý, bảo vệ CTQP và KQS.
2. Chế độ, chính sách đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân trong hoạt động quản lý, bảo vệ CTQP và KQS
Người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ CTQP và KQS được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật và chế độ, chính sách phù hợp với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ của công việc đảm nhiệm. Cơ quan, đơn vị, cá nhân được yêu cầu tham gia hoạt động quản lý, bảo vệ CTQP và KQS có thành tích thì được khen thưởng; bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường; cá nhân bị thương tích, tổn hại về sức khỏe hoặc bị thiệt hại về tính mạng thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
3. Chế độ, chính sách đối với địa phương, tổ chức,
hộ gia đình, cá nhân bị tác động bởi hoạt động quản lý, bảo vệ CTQP và KQS
Xã, phường,
thị trấn trong phạm vi bảo vệ CTQP
và KQS nhóm đặc biệt được Nhà nước ưu tiên
đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ
tầng thiết yếu thông qua các chương
trình, dự án, hỗ
trợ đào tạo, tạo nguồn nâng cao năng lực cho đội ngũ
cán bộ cơ sở. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh thường trú trong phạm vi bảo vệ CTQP và KQS nhóm đặc biệt được hưởng chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, lao động, việc làm, sản xuất, kinh doanh và chính sách an sinh xã hội khác theo quy định của pháp luật. Tổ
chức, hộ gia đình, cá nhân bị hạn chế về
quyền và lợi ích hợp pháp do yêu cầu quản lý, bảo vệ CTQP và KQS thuộc nhóm I, nhóm II và nhóm III theo
quy định thì được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
4. Ngân sách bảo đảm cho hoạt động
quản lý, bảo vệ CTQP và KQS
Được bố trí trong dự toán
chi ngân sách hằng năm của các Ban, Bộ, ngành trung ương, địa phương theo quy định của pháp luật.
V. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC
TRONG QUẢN LÝ, BẢO VỆ CTQP VÀ KQS
1.
Nội dung, trách nhiệm quản lý Nhà nước về quản lý, bảo vệ CTQP và KQS
-
Trách nhiệm quản lý Nhà nước gồm các nội dung: Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có
thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản
quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ CTQP và KQS;
Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với quản lý, bảo vệ CTQP và KQS; quy định chế độ, chính sách trong quản lý, bảo
vệ CTQP và KQS; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản
lý, bảo vệ CTQP và KQS; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết
khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, khen thưởng trong quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc phối hợp thực
hiện quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ CTQP và KQS thuộc phạm vi lĩnh vực
được phân công trong phạm vi cả nước. Hội đồng nhân dân, UBND các cấp, trong phạm vi
nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý, bảo
vệ CTQP và KQS tại địa phương.
2. Trách nhiệm của Bộ
Quốc phòng
Bộ Quốc phòng là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện thống nhất
quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ CTQP và KQS; chủ trì, phối hợp với các Ban,
Bộ, ngành trung ương, địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ
chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.
- Tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ CTQP và KQS
theo thẩm quyền.
- Xây dựng, triển khai kế hoạch phòng ngừa, phát
hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động làm lộ bí mật,
phá hoại CTQP, KQS.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp
luật về quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.
- Nghiên cứu, ứng dụng
khoa học, công nghệ tiên tiến và hiện đại phục vụ công tác quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.
- Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết,
tổng kết, khen thưởng trong quản lý, bảo vệ CTQP và KQS theo thẩm quyền.
VI. TRÁCH
NHIỆM THI HÀNH LUẬT QUẢN LÝ BẢO VỆ CTQP VÀ KHU QUÂN SỰ
1. Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước
- Triển khai ban hành các văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
luật.
- Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định chi
tiết liên quan đến chế độ quản lý, bảo vệ CTQP và KQS nhóm đặc biệt.
- Thực hiện các nội dung theo quy định của
Luật.
2. Trách
nhiệm của Bộ Quốc phòng
- Ban hành quy định chi
tiết và hướng dẫn thi hành các Điều 10, Điều 11, điểm b khoản 3 Điều 12, khoản 6 Điều 13, điểm d
khoản 9 Điều 18, khoản 2 Điều 20, khoản 1 Điều 29 Luật quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có
liên quan nghiên cứu soạn thảo Thông tư của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS nhằm quy định chi tiết
các điều khoản được giao trong Luật và biện pháp thực hiện chức năng quản lý
Nhà nước của Bộ Quốc phòng; đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý trong quá trình triển
khai thực hiện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nhiệm vụ quản lý, bảo vệ CTQP
và KQS trên phạm vi cả nước;
- Triển khai thực hiện
theo quy định của Luật.
3. Trách nhiệm của cấp uỷ, chỉ huy
các cấp
- Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc,
có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, chủ trương
của Đảng, pháp luật của nhà nước, quy định của Quân đội liên
quan đến quản lý, bảo vệ CTQP và KQS. Trọng tâm
là Nghị quyết số 44-NQ/TW
(24/11/2023) của BCHTW Khóa XIII về chiến lược bảo vệ
Tổ quốc trong
tình hình mới, các quy định của Luật
Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.
- Đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, giáo dục, phổ
biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho cơ
quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng và người lao động về những nội dung
cơ bản của Luật, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm về vị trí, vai
trò quan trọng của hệ thống CTQP và KQS và công tác
quản lý, bảo vệ CTQP và KQS trong triển
khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tích cực,
tự giác tham gia thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ CTQP và KQS theo chức năng, chức trách, nhiệm
vụ được phân công bảo đảm an toàn, hiệu quả, góp phần
thực hiện thắng
lợi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị,
tổ chức, cá nhân và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân xác định cụ thể trên thực địa
phạm vi bảo vệ của CTQP và KQS do đơn vị mình
được giao quản lý, bảo vệ; tổ chức thực hiện công tác
quản lý, bảo vệ các CTQP và KQS được giao đúng quy định của pháp luật,
bảo đảm an toàn, bí mật, hiệu quả; kết hợp xây dựng đơn vị an toàn gắn với xây
dựng địa bàn an toàn.
- Tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời
phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ CTQP và
KQS theo thẩm quyền. Định kỳ, triển khai thực hiện nghiêm túc việc sơ kết, tổng
kết, đánh giá, báo cáo kết quả, rút kinh nghiệm công tác quản lý, bảo vệ CTQP
và KQS theo đúng quy định.
4. Trách nhiệm của sĩ quan, QNCN, công chức, viên
chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ
- Chấp hành nghiêm các
quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân đội
trong thực hiện công tác quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.
- Tích cực, chủ động
trong việc học tập, nghiên cứu, quán triệt và thực
hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo
vệ CTQP và KQS. Phát huy vai trò gương mẫu của người
cán bộ, đảng viên và quân nhân cách mạng trong
tuyên truyền, phổ biến và thực hiện Luật.
- Thực hiện tốt chức trách nhiệm
vụ được phân công, quản lý, khai thác, sử dụng tài sản của quân đội nói chung,
CTQP và KQS nói riêng đúng mục đích, yêu cầu nhiệm vụ; kịp thời ngăn chặn, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.
- Tích cực tham gia xây dựng xây
dựng đơn vị an toàn,
vững mạnh toàn diện, xây dựng địa bàn đóng quân an toàn, góp phần xây dựng Quân đội “Cách mạng,
chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay./.
[1]
Pháp lệnh số 32-L/CTN (19/5/1994) của UBTVQH
về bảo vệ CTQP và KQS; Nghị định số 04/CP (16/01/1995) của Chính phủ ban hành quy
chế bảo vệ CTQP và KQS; Nghị định số 148/2006/NĐ-CP (04/12/2006) của
Chính phủ về quy hoạch, xây dựng, quản lý và bảo vệ vành đai an toàn các kho
đạn dược, vật liệu nổ, nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ do Bộ Quốc phòng
quản lý; Nghị định số 30/2011/NĐ-CP (06/5/2011) của Chính phủ về quản lý và bảo
vệ hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự; Quyết định số
2412/QĐ-TTg (19/12/2011) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể
bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước giai
đoạn 2011-2020; Thông tư số 175/2013/TT-BQP (05/9/2013) của Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng quy định về quản lý, bảo vệ CTQP và khu vực quân sự.
0 Nhận xét